HỘI THẢO RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH BẢO VỆ TRẺ EM CỦA TRUNG TÂM NHẬT HỒNG

HỘI THẢO RÀ SOÁT CHÍNH SÁCH BẢO VỆ TRẺ EM CỦA TRUNG TÂM NHẬT HỒNG

Chăm sóc giáo dục và bảo vệ trẻ em khiếm thị vốn là mục tiêu hàng đầu của Trung tâm Nhật Hồng. Nhằm gia tăng nhận thức cũng như bồi dưỡng thêm những kĩ năng và kiến thức về việc bảo vệ trẻ em cho tập thể ban giám đốc, giáo viên và nhân viên, ngày 26 tháng 10 năm 2018, trung tâm đã phối hợp với CBM Việt Nam tổ chức ngày hội thảo về chuyên đề này.

Ngày hội thảo được điều hành bởi bà Nguyễn Thị An, Phó trưởng Đại diện CBM tại Việt Nam, văn phòng đặt tại Hà Nội. Có 43 nữ tu, giáo viên và nhân viên của Trung tâm và đại diện bảy mái ấm chi nhánh của trung tâm tham gia hội thảo. Trong số đó có 13 nhân viên khiếm thị. Với kiến thức và kinh nghiệm lâu năm trong lãnh vực bảo vệ quyền trẻ em, bà An đã dùng những trò chơi tập thể sinh động nhằm truyền tải những nội dung quen thuộc liên quan đến các quyền và các cách phòng chống xâm hại.

Trò chơi “bọc thả quả trứng” đã giúp mọi người tự rút ra bài học như: “cần có sự đoàn kết của nhiều người trong nhóm, bảo vệ được hay không phụ thuộc vào việc sử dụng các nguồn lực thế nào, khó nhưng vẫn có thể làm được. Trò chơi “ghép tranh” tìm hiểu về các hình thức xâm hại trẻ em giúp cho các tham dự viên nhận ra những dấu hiện nhận biết trẻ bị xâm hại bằng một trong những hình thức như: xâm hại thân thể, xâm hại tinh thần, sao nhãng bỏ mặc, xâm hại tình dục, lao động trẻ em và phân biệt đối xử. Qua đó, bà An đề xuất Nhật Hồng cần bổ sung vào chính sách của mình định nghĩa về các hình thức xâm hại. Tập huấn cho các sơ và nhân viên thường xuyên về các dấu hiệu nhận biết các hình thức xâm hại trẻ em

Trong ngày hội thảo, tham dự viên có cơ hội rà soát lại chính sách bảo vệ trẻ em của trung tâm. Qua đó, mọi người đọc lại bản quy tắc hành xử mình đã kí nhiều năm trước, khi kí hợp đồng lao động với trung tâm. Sau buổi hội thảo, bà An đưa ra một số đề xuất để tuyên truyền về Quy tắc ứng xử của Trung tâm như sau: (1) In quy tắc ứng xử trên khổ giấy to và treo ở những nơi có nhiều người đi qua, nhằm giúp các sơ, nhân viên, gia đình trẻ biết được Chính sách và giám sát cùng với Nhật Hồng và các mái ấm. Có thể dùng các hình ảnh để chuyển tải thông tin; (2) Phổ biến Quy tắc ứng xử cho trẻ em đang sinh sống tại Nhật Hồng và các mái ấm. Có thể thông qua các buổi chia sẻ, nói chuyện với các em hoặc in chữ nổi cho các em đọc; (3) Hiện tại bản Chính sách của Nhật Hồng mới chỉ là Quy tắc ứng xử và chưa đầy đủ là 1 chính sách Bảo vệ trẻ em hoàn chỉnh.

Sau đó, các tham dự viên đã phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của trung tâm cũng như của các mái ấm. Để từ đó, các nhóm xây dựng các kế hoạch hành động hướng tới việc bảo vệ trẻ em cho từng nhóm đối tượng: các sơ, nhân viên, phụ huynh, tình nguyện viên, giáo viên hòa nhập, và trẻ khiếm thị.

Ngày hội thảo kết thúc với phần lượng giá.  Các tham dự viên có những nhận xét và đánh giá tích cực về nội dung và hình thức của hội thảo. Mến chúc cho mọi người khi trở về với công việc sẽ luôn ý thức về trách nhiệm của mình trong việc gia tăng bảo vệ trẻ em.

-Nhật Hồng-