QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Vào năm 1995, các nữ tu Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức gặp một số trẻ khiếm thị sống lang thang, không nơi nương tựa và không được giáo dục. Các nữ tu tìm đến Trường Mù nhưng được biết là Trường không còn chỗ để nhận thêm học sinh. Ngoài ra, có một số em khiếm thị đã tốt nghiệp trung học cơ sở tại Trường Mù nhưng không có cơ hội học tiếp lên trung học phổ thông, đại học và lo lắng cho tương lai của mình. Sau thời gian dài trao đổi, và nhờ sự giúp đỡ của quý vị ân nhân, Hội Dòng đã quyết định thiết lập Mái Ấm Khiếm Thị Nhật Hồng tại Thị Nghè, Quận Bình Thạnh, Sài Gòn, vào ngày 26/9/1995, để cung cấp nơi ăn chốn ở cho trẻ khiếm thị, và cũng có chương trình dạy nghề đan giỏ cho các em. Sau đó, các nữ tu nhận thấy rằng trẻ khiếm thị không chỉ cần nơi ăn chốn ở mà còn cần được giáo dục, nên bắt đầu gởi các em khiếm thị theo học bán trú tại Trường Phổ Thông Đặc Biệt Nguyễn Đình Chiểu, trở về Mái Ấm vào buổi tối. Sau đó, Nhật Hồng dần dần hình thành nên các lớp học ngay tại Mái Ấm. Các nữ tu cũng tham gia các khóa học để có được kiến thức và kỹ năng cần thiết làm việc với trẻ khiếm thị. Hội Dòng bắt đầu gởi các nữ tu đi học chuyên môn về giáo dục khiếm thị ở trong nước và ngoài nước. Vào năm 1999, sau khi đã chuẩn bị kỹ lưỡng, Nhật Hồng bắt đầu gởi trẻ khiếm thị đi học hòa nhập tại trường phổ thông bình thường, và hỗ trợ cho học sinh khiếm thị cũng như giáo viên dạy hòa nhập. Chương trình giáo dục hòa nhập từng bước thành công và mang lại nhiều lợi ích cho trẻ khiếm thị, giúp các em hòa nhập vào cộng đồng xã hội. Năm 2000, Hội Trẻ Khiếm Thị Việt Nam bắt đầu giúp đỡ một phần thực phẩm và nhu yếu phẩm cho trẻ khiếm thị, vì thế Nhật Hồng mở rộng công việc phục vụ nhiều trẻ khiếm thị khác. Từ năm 2001, với sự đảm bảo hỗ trợ tài chánh trong 5 năm của Hội Dark & Light và sự giúp đỡ chuyên môn của Trường Perkins, chương trình Can thiệp sớm và Giáo dục trẻ đa tật được hình thành. Ngoài ra, Mạng lưới về Công nghệ Giáo dục của Overbrook-Nippon (ONNET) đã hỗ trợ kỹ thuật cho trẻ khiếm thị, cùng với sự hỗ trợ chuyên môn của Hội Đồng Giáo dục Khiếm thị Thế giới (ICEVI), chương trình Giáo dục hòa nhập cũng phát triển nhanh không chỉ ở Sài Gòn mà còn ở Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Năm 2002, đáp ứng nhu cầu của trẻ vừa bị khiếm thị vừa chậm phát triển trí tuệ, Hội Dòng đã thiết lập cơ sở dạy nghề ở Long Thành để phát triển các ngành nghề thủ công đơn giản và nông nghiệp. Sau này, mái ấm cũng phục vụ trẻ khiếm thị đa tật. Trong khi đó, ở Sài Gòn, chương trình dạy nghề cũng từng bước phát triển với nhiều ngành nghề mới như âm nhạc, sư phạm, nghiệp vụ văn phòng, y học cổ truyền và xoa bóp bấm huyệt, các sản phẩm thủ công chất lượng cao, và các nghề kinh tế nhỏ gia đình. Năm 2005, vì có nhiều trẻ khiếm thị ở các vùng quê cần được chăm sóc và giáo dục, nhất là trẻ thuộc các dân tộc thiểu số, Hội Dòng thành lập Mái ấm Khiếm thị tại Suối Mơ (Bảo Lộc, Lâm Đồng) và Vị Thủy (Hậu Giang). Vào năm 2006, khi những học sinh đầu tiên tốt nghiệp trung học và bước vào cao đẳng đại học, Nhật Hồng bắt đầu có chương trình Giáo dục sau Phổ thông, và từ đó đến nay đã có thêm nhiều học sinh được hỗ trợ trong chương trình này. Năm 2007, Nhật Hồng mở một Trung Tâm mới ở Tam Hà, Quận Thủ Đức, được xây dựng với sự tài trợ và hợp tác của Tổ chức CBM, trở thành một trung tâm nguồn để phục vụ người khiếm thị, đồng thời cũng đào tạo và cung cấp nhân sự và phương tiện dạy học cho các chi nhánh và các đơn vị khác. Đây cũng là nơi thực hiện chương trình giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề, tạo việc làm và cung cấp các dịch vụ hỗ trợ cho người khiếm thị tại Việt Nam. Năm 2008, sau khi Thầy Phao-lô Đào Khánh Trường, Chủ nhiệm Cơ sở Bừng Sáng qua đời, thể theo lời yêu cầu của gia đình Thầy Trường, Hội Dòng đã tiếp nhận cơ sở để tiếp tục chăm sóc và giáo dục các em khiếm thị đang sinh sống tại đây. Năm 2010, chương trình Can Thiệp Sớm cho trẻ khiếm thị nhi đồng được khởi sự tại tỉnh Bắc Ninh, miền Bắc Việt Nam. Sau đó, các nữ tu ở Bắc Ninh cũng hỗ trợ cho trẻ khiếm thị đi học hòa nhập và trẻ khiếm thị đa tật tại các tỉnh Bắc Ninh, Hà Nội, Thái Nguyên và Bắc Giang. Năm 2011, Phòng Y học Cổ truyền Nhật Hồng ra đời, là nơi thực tập nghề và chữa bệnh bằng phương pháp bấm huyệt trị liệu của Đông Y kết hợp với vật lý trị liệu của Tây Y. Từ chương trình đào tạo này, các em khiếm thị có cơ hội để đem hết khả năng của mình phục vụ cho các bệnh nhân, góp phần thoa dịu nỗi đau của mọi người. Cùng trong năm này, phòng âm nhạc và quầy bán hàng lưu niệm đã ra đời để đào tạo người khiếm thị đồng thời phục vụ xã hội. Trải qua 20 năm, Nhật Hồng đã có nhiều học sinh ra trường, có nghề nghiệp, lập gia đình, sống tự lập và đóng góp khả năng của mình cho xã hội. Nhật Hồng đạt được những thành quả nêu trên là nhờ hồng ân bao la của Thiên Chúa, sự đầu tư và hướng dẫn của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Đức, sự hỗ trợ của các tổ chức, đơn vị và quý vị ân nhân, cùng với sự đóng góp và tình yêu của các nữ tu, giáo viên, nhân viên và tình nguyện viên. Nhìn về tương lai, mong sao Nhật Hồng được tiếp tục nhận được sự giúp đỡ và cộng tác của mọi người, nhờ đó Nhật Hồng phát triển công việc phục vụ và đem lại tương lai tốt đẹp hơn cho trẻ khiếm thị tại Việt Nam.