TIN VUI CHƯƠNG TRÌNH GIÁO DỤC HÒA NHẬP

Mục tiêu của Trung tâm Nhật Hồng là giúp người trẻ khiếm thị trở nên tự tin hòa nhập với cộng đồng. Chương trình học hòa nhập là một trong những phương cách trang bị những kiến thức giúp đưa trẻ khiếm thị đến gần đến mục tiêu này hơn. Hiện nay tại trung tâm có 35 em nằm trong chương trình này. Các em này tham gia học tập chung với các học sinh sáng mắt tại ba trường: Trường Phổ Cập Tam Hải, Trường Tiểu Học Tam Bình, Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Quận Thủ Đức.

Sáng ngày 28 tháng 03 năm 2017, nữ tu Lê Thị Kim Phụng và nữ tu Phạm Thị Tâm đã đến thăm và trao đổi với các Ban Giám đốc và các thầy cô chủ nhiệm lớp nơi có các em hòa nhập nhân dịp bốn vị khách từ Campuchia đến tham quan học hỏi chương trình hòa nhập của Trung tâm. Qua trao đổi, quý Giám đốc và thầy cô của hai trường Phổ Cập Tam Bình và Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Quận Thủ Đức đã bày tỏ vài điểm tích cực khi có các em khiếm thị học hòa nhập. Thầy Nguyễn Thanh Liêm, Phó Giám Đốc Trung Tâm Giáo Dục Thường Xuyên Thủ Đức cho biết thầy rất vui khi có các em khiếm thị của trung tâm Nhật Hồng tham gia vào trung tâm của thầy. Các em không những học tốt mà còn là những mẫu gương vượt khó cho các bạn học trong trường và trong lớp. Đặc biệt, những học trò của lớp nào có bạn khiếm thị thì dường như ngoan ngoãn dễ dạy hơn những lớp khác. Khi được hỏi nhận xét cá nhân điểm mạnh của các em về từng môn học, thầy Liêm cho biết: “Các em đặc biệt giỏi các môn xã hội. Tuy nhiên, có một vài trường hợp các em còn giỏi cả những môn tự nhiên. Như em Tiến học lớp 12 hiện nay giỏi đều các môn, nổi bật nhất là môn Hóa. Hoặc như em Lan Anh, đã tốt nghiệp được một năm, đã gây ấn tượng rất tốt cho thầy khi em học giỏi cả môn Toán Hình.” Cô Nguyễn Thị A, giáo viên chủ nhiệm lớp 5 của Trường Phổ Cập Tam Hải nhận xét: “Tôi đã dạy các em khiếm thị được 5 năm rồi và ngày càng mến thương các em nhiều hơn. Ban đầu, tôi cũng rất ngỡ ngàng vì không biết mình sẽ phải dạy các em như thế nào. Nhưng dần dần với sự hỗ trợ của trung tâm và của chính các em, tôi đã rất tự tin để dạy các em. Các em chăm ngoan và học tập tốt.”

Không chỉ được các thầy cô quan tâm dạy dỗ, các bạn học sinh khiếm thị cũng nhận được nhiều trợ giúp của các bạn cùng lớp. Qua quan sát, các em được xếp ngồi trên những bàn hàng đầu và ngồi chung bàn với một bạn sáng mắt để bạn giúp đọc bài khi cô giáo viết trên bảng. Ngoài ra, các bạn trong lớp cũng luôn sẵn lòng giúp các em đi lại trong trường an toàn.

Để tham gia chương trình giáo dục hòa nhập, các em khiếm thị cần có một số kĩ năng cần thiết như sau. Trước hết, các em cần có khả năng tư duy suy luận và không bị khuyết tật học tập.  Có thể xem đây là một trong những tiêu chí hàng đầu khi đánh giá để xếp các em vào chương trình. Thứ đến, các em cần được trang bị kĩ năng đọc viết tương đối khá kể cả chữ nổi và chữ in phóng lớn. Để có được những kĩ năng này, thông thường các em mất khoảng từ một đến ba năm. Ngoài ra, các em cũng cần có nhiều kĩ năng khác, chẳng hạn kĩ năng giao tiếp xã hội, và kĩ năng tự phục vụ bản thân, kĩ năng định hướng di chuyển ở mức căn bản, và lòng yêu thích học tập.

- Ghi Chép Nhật Hồng -