HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG NGÀY CÂY GẬY TRẮNG 15/10/2019

HOẠT ĐỘNG CHÀO MỪNG NGÀY CÂY GẬY TRẮNG 15/10/2019

Nhằm mục đích nâng cao ý thức của người khiếm thị về người bạn đồng hành – cây gậy trắng, khả năng tự lập và hòa nhập vào những sinh hoạt đời sống xã hội. Nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về những khả năng, quyền lợi được sống, được tôn trọng và được tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, đặc biệt quyền được nhường đường khi họ đi lại. Được sự hỗ trợ của tổ chức CBM và một số mạnh thường quân, Trung tâm Bảo Trợ Khiếm Thị Nhật Hồng đã tổ chức các hoạt động chào mừng Ngày Cây Gậy Trắng (White Cane Day) 15/10 vào hai ngày 12 và 13 tháng 10 năm 2019 tại thành phố Đà Lạt.

Sáng thứ bảy ngày 12 tháng 10, trong bầu khí trong lành mát mẻ của thời tiết Đà Lạt, trung tâm đã tổ chức hoạt động thuyết trình, giao lưu, trò chơi, văn nghệ chia sẻ về lịch sử, ý nghĩa của Ngày Cây Gậy Trắng tại Hội trường của Dòng Donbosco Đà Lạt. Đây là cơ hội giúp nâng cao nhận thức cộng đồng người sáng mắt về quyền được sống và tham gia vào các sinh hoạt cộng đồng, về khả năng tự lập, khả năng học tập làm việc, khả năng đóng góp vào việc xây dựng xã hội, đặc biệt là khả năng tự đi lại của người khiếm thị. Đồng thời cũng là dịp nhắc lại cho các học sinh khiếm thị tầm quan trọng của người bạn đồng hành của mình là cây gậy trắng, được dùng như là biểu tượng của người khiếm thị, và cũng là cánh tay và là đôi mắt của mình. Do đó, người khiếm thị cần sử dụng một cách trân trọng người bạn của mình cũng như nâng niu gìn giữ người bạn ấy như chính cánh tay và đôi mắt của mình vậy.

Gậy là biểu tượng để cho cộng đồng, đặc biệt các bác tài xế biết được người đang đi đường với gậy trắng là người khiếm thị, nhờ đó cộng đồng có thể hỗ trợ giúp dẫn sang đường, hoặc các bác tài nhường đường cho người khiếm thị. Gậy là cánh tay của người khiếm thị, khi gậy chạm vào các vật thể hoặc vật cản, gậy giúp cho người khiếm thị nhận biết vật đó là vật gì, hoặc làm bằng chất liệu gì, kích cỡ ra sao. Gậy là đôi mắt của người khiếm thị khi giúp cho người khiếm thị dò trước đoạn đường nơi người khiếm thị chuẩn bị đặt chân lên, xem đoạn đường này có chướng ngại vật hay có an toàn để đi hay không.

Buổi giao lưu đã thu hút được sự tham gia của 52 em học sinh khiếm thị của Trung tâm Nhật Hồng và của mái ấm khiếm thị Đà lạt, và khoảng 85 tình nguyện viên sáng mắt, là sinh viên một số trường đại học tại Đà Lạt, là các cộng tác viên của Dòng Donbosco, là các sinh viên thần học của học viện Dòng Vinh Sơn, là các nhân viên của ban Caritas  giáo phận Đà lạt.

Sau buổi thuyết trình và giao lưu văn nghệ trò chơi, các tình nguyện viên đã có cơ hội được hướng dẫn kĩ thuật để dẫn người khiếm thị đi lại, và những điều nên tránh. Mỗi tình nguyện viên được giao lưu kết bạn với một em học sinh khiếm thị. Với băng rôn chuyển tải thông điệp “HÃY NHƯỜNG ĐƯỜNG CHO NGƯỜI CẦM GẬY TRẮNG”, các tình nguyện viên cùng với người khiếm thị theo từng cặp đã đi dạo phố Đà Lạt từ dòng Donbosco đường Bùi Thị Xuân, xuống dọc bờ Hồ Xuân Hương. Cộng đồng lưu thông trên đường, khi nhìn thấy băng rôn này đều dừng xe lại nhường đường cho người khiếm thị sang đường một cách an toàn hiệu quả.

Buổi giao lưu đã khép lại với phần chia sẻ những trải nghiệm của các tình nguyện viên sáng mắt. Chị Thùy Linh, giáo viên Anh Văn lớp 9 cho biết: “Khi được mời tham dự Ngày Cây Gậy Trắng, quả thực mình chẳng hiểu gì và thắc mắc trong lòng ngày này là ngày gì và ý nghĩa gì. Mình tham dự với mục đích muốn được gặp gỡ các bạn khiếm thị, và giờ đây thì mình đã không chỉ được gặp gỡ các bạn, mình còn được hiểu về người khiếm thị, về cây gậy trắng, về lịch sử và tầm quan trọng của cây gậy trắng trong xã hội, đặc biệt đối với người khiếm thị. Mình thấy rất quý mến các em, và khâm phục tinh thần lạc quan hòa đồng của các bạn khiếm thị”. Còn bạn Anh Tú, sinh viên năm thứ hai trường Đại Học Đà Lạt chia sẻ thêm: “Em thực sự không tin là mình được biết đến các bạn khiếm thị tuyệt vời như thế này. Các bạn thật là nỗ lực để vươn lên trong cuộc sống. Em cám ơn quý sơ đã cho em được tham gia hoạt động đầy ý nghĩa và bổ ích như thế này. Em cám ơn quý Sơ đã kể cho em nghe những người khiếm thị thành đạt, du học nước ngoài, những chuyên viên phần mềm tài ba. Em chúc cho các bạn được luôn mãi mạnh mẽ để vượt lên trên những khiếm khuyết và đạt được những ước mơ của mình.”  Cùng với tâm tình đó, một thầy học viện dòng Vinh Sơn đã nêu lên: “Quả thực, khi được mời tham gia chương trình, em cũng nghĩ đơn giản là đi sang đây giúp các em điều gì đó, nhưng tham gia thực rồi, thì em lại thấy mình chẳng giúp được các em điều gì, mà chính các em đã giúp cho chúng em thấy được mình thật may mắn khi có đôi mắt sáng, có được cuộc sống tươi đẹp dễ dàng. Anh cám ơn các em đã cho anh một bài học đắt giá.”

Chiều ngày 13 tháng 10 năm 2019, chúng tôi có một giờ giao lưu chia sẻ với khoảng 300 bạn thiếu nhi của giáo xứ Donbosco. Chúng tôi đã chia sẻ cho các bạn biết về mái ấm Nhật Hồng, về cuộc sống và học tập của người khiếm thị, về cách thức người khiếm thị đi học và khả năng của người khiếm thị, về phương tiện học tập của người khiếm thị, về những thành công của người khiếm thị. Ngang qua đó, chúng tôi cũng tuyên truyền cho các bạn thông điệp trân trọng người khiếm thị, nhất là khi người khiếm thị tham gia lưu thông, hãy hỗ trợ và nhường đường cho họ, đừng trêu trọc họ, hoặc lấy gậy của họ. Người khiếm thị không ai muốn bị khiếm thị. Người khiếm thị mong ước từng ngày từng giờ được nhìn thấy mặt trời, mẹ cha, vũ trụ bao la… nhưng không thể. Còn các bạn nhỏ sáng mắt, hãy biết ơn cuộc sống, hãy bảo vệ và gìn giữ đôi mắt sáng của mình bằng cách sống “xanh” - sống “lành mạnh”. Hàng trăm bạn trẻ đã hô vang : “Con hứa sẽ bớt chơi game, chơi điện thoại để bảo vệ mắt!” và anh trưởng đại diện thiếu nhi đã phát biểu: “Qua buổi chia sẻ giao lưu ngắn ngủi này, chúng em thấy mình được nhìn thấy là hồng ân cao cả. Chúng em được sống ở môi trường thuận lợi, được lành lạnh, nhưng nhiều khi chưa ý thức được những điều tốt đẹp ấy. Chúng em hứa sẽ cố gắng sống tốt và cầu nguyện nhiều hơn nữa cho các bạn khiếm thị.”

Hai ngày giao lưu khép lại với nhiều cảm xúc. Cám ơn Đà Lạt và con người Đà Lạt đã cho chúng tôi hai ngày trải nghiệm thật ý nghĩa và vui nhộn. Cái cảm giác se lạnh vào sáng sớm và tối trời giống như mùa đông; cái cảm giác man mát hơi nóng nóng vào buổi trưa cho chúng tôi trở về mùa thu và mùa hạ; và cảm giác mát rượi buổi chiều làm cho chúng tôi liên tưởng đến mùa xuân.  Trong hai này, chúng tôi được biết thế nào là 4 mùa trong một năm, được nghe về lịch sử của Đà Lạt, ý nghĩa tên gọi Đà Lạt, và được tham quan vui chơi ở một vài điểm nổi tiếng như đạp pedalo trên Hồ Xuân Hương, được lên đỉnh núi Langbiang cao ngất thưởng thức khí trời mát rượi. Cám ơn các mạnh thường quân của tổ chức CBM và các cá nhân đã giúp trung tâm chúng tôi tổ chức sự kiện này. Cám ơn các tình nguyện viên và đặc biệt cám ơn quý Cha quý Thầy cộng thể Donbosco Đà Lạt đã cho chúng con trú ngụ trong nhà, cám ơn cô Chín và các cô đã chuẩn bị những bữa ăn đậm tình gia đình dành cho chúng con.

-          Nhật Hồng -